Gia phả là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, ngày giỗ, vai trò và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ và mộ phần của một gia đình lớn hay một dòng họ.
Gia phả có thể được coi như một bản sử ký của một gia đình hay một dòng họ. Gia phả có khi gọi là Phổ ký, có khi là Phổ truyền. Các nhà Tông thất (dòng dõi vua quan), có khi gọi gia phả của vương triều mình hay gia tộc mình bằng từ ngữ trân trọng hơn: Ngọc phả, Thế phả…
Tại các nước Đông Á, chịu ảnh hưởng của Đạo Khổng, các thế hệ sau trong dòng họ hay vương triều phải giữ đạo Trung đạo Hiếu. Việc xây dựng và lưu truyền gia phả được xem là một cách ghi nhớ công ơn tổ tiên, gây dựng lòng tự hào trong dòng tộc.
Ở Tây phương, người ta có tập tục làm cây phả hệ hay phả đồ, tương tự như Tông đồ của người Hoa hay người Việt.
Một Tông đồ, một Gia phả, một Phả ký, một Phổ truyền dù đơn sơ hay súc tích cũng đều trở nên những tài liệu quý báu cho nhà xã hội học, nhà sử học về sau. Nó còn có thể hữu dụng cho những nghiên cứu về tâm lý, về di truyền học, huyết học, y học nữa.
Môn học nghiên cứu về gia phả là Gia phả học.
Tại Trung Quốc, gia phả đã xuất hiện dưới dạng thức “thế bản” từ thời nhà Chu (1122-256 TCN). Gia tộc Khổng Tử vẫn còn lưu giữ được gia phả ghi chép từ năm 600 trước công nguyên cho tới nay
Theo những công bố sử học, ở nước ta gia phả có từ rất sớm nhưng phải đến thời Lý-Trần- Lê thế kỷ XIII, XIV, XV mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả ghi thế thứ, tông tích toàn họ, hay phả ký ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên. Ví dụ nhà Lý có Hoàng Triều Ngọc Điệp; nhà Trần có Hoàng Tông Ngọc Điệp; nhà Lê có Hoàng Lê Ngọc Phả. Dưới triều vua Gia Long (1802 – 1820), nhiều cuốn phả về họ Nguyễn Phúc được soạn dâng lên như: Hoàng triều đại tông đồ, Hoàng gia phả hệ, Hoàng triều ngọc phả…
Cùng với sự xuất hiện các gia phả của hoàng tộc là gia phả của các danh gia, quan lại và lan rộng trong dân gian.
Gia phả chủ yếu được ghi chép bằng chữ Hán-chữ Nôm. Trong gia phả, người đứng đầu ngành trưởng (trưởng họ, trưởng tộc) có bổn phận ghi tóm tắt về thân thích và dòng dõi trong gia tộc mình, đặc biệt những người đàn ông được ghi chi tiết ngày sinh, ngày mất, học hành, công trạng, sự nghiệp, con cái và nơi chôn cất sau khi chết. Với con gái, gia phả chỉ ghi vắn tắt, trừ trường hợp có công danh, địa vị, làm thê thiếp trong triều vua, phủ chúa mới được ghi chép chi tiết. Cuốn gia phả gốc được những người con khác sao lại từ bản gia phả chính đó để lưu giữ.
Gia phả thường được cất giữ ở nhà từ đường của dòng họ, dịp giỗ kỵ trưởng tộc đem ra đọc cho dòng họ cùng nghe, để con cháu các chi các ngành biết về tổ tiên. Việc biên chép gia phả là việc làm tự phát tự nguyện và cũng là trách nhiệm của những thành viên có học thức trong họ tộc. Thông qua gia phả, người đời trước gửi gắm tâm nguyện, khích lệ ý chí phấn đấu cho đời sau.
Ví dụ như lời tựa gia phả dòng họ Nguyễn Xuân ở xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định có chép: “phàm những thế gia đại tộc không nhà nào là không có gia phả, huống hồ đời nối đời dài lâu như họ Nguyễn Xuân cũng là sự hiếm”.
Thật vậy, dòng họ là sự tập hợp lại của nhiều gia đình có quan hệ huyết thống và nguồn gốc tổ tiên. Đây là một hiện tượng lịch sử – xã hội đặc biệt mang tính phổ quát không riêng gì ở Việt Nam mà của chung nhân loại. Ở Anh Quốc, Pháp, Đức… từ lâu đã công bố những cuốn gia phả của những dòng họ quý tộc làm cơ sở để xác định danh tính, nguồn gốc, vị trí xã hội của một dòng họ cao quý trong xã hội.
Ở nước ta, gia phả của những dòng họ lâu đời như họ Vũ ở Mộ Trạch, dòng họ Phạm Tu ở Thanh Trì Hà Nội, dòng họ Nguyễn Bặc ở Hoa Lư, Ninh Bình, dòng họ Mạc Cửu ở Hà Tiên và rất nhiều dòng họ khác đã góp thêm nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử và địa dư, khi đó lịch sử dòng họ hòa với lịch sử quốc gia, tiểu sử các nhân vật có liên quan đến lịch sử đất nước được biên chép cẩn thận và tường tận trong các tộc thư, tộc phả sẽ làm cho lịch sử nước nhà thêm sinh động và hấp dẫn hơn…
Cùng với sự xuất hiện các gia phả của Hoàng tộc là gia phả của các danh gia, quan lại và cứ thế lan rộng, phổ biến ghi chép gia phả trong nhân dân. Giai đoạn phát triển mạnh qua các đời vua chúa Lý, Trần, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn…
Khi đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, gia phả của các dòng họ bị thất lạc, bị tiêu huỷ, thậm chí trở thành “tam sao, thất bản” không còn chính xác nữa. Người ta chép gia phả theo trí nhớ của các bô lão trong họ tộc nên độ